Kể từ khi con yêu chào đời, ba mẹ dành hết mọi yêu thương cho thiên thần nhỏ, đảm bảo con luôn được khuyến khích để phát triển và lớn lên hạnh phúc. Đó là một hành trình tưởng như đơn giản, nhưng lại không hề dễ dàng. Dưới đây là những bí quyết mà ba mẹ có thể tham khảo để nuôi dạy trẻ hạnh phúc.
Ba mẹ biết không, ba mẹ không cần phải trở thành một chuyên gia giáo dục trẻ em thì mới có thể mang lại cho con một khởi đầu tuyệt vời trong cuộc sống. Bởi những gì con cần chính là tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc cơ bản từ chính ba mẹ. Để con có thể phát huy hết tiềm năng phát triển thành một người hạnh phúc, ba mẹ hãy thử những bí quyết sau nhé!
1. Để con sống trong tình yêu thương ngập tràn
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra tình yêu thương, sự quan tâm và thể hiện tình cảm trong những năm đầu đời có tác động trực tiếp đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ.
Vậy trong quá trình nuôi dạy trẻ, ba mẹ thể hiện tình yêu của mình như thế nào: thường xuyên ôm, chạm, mỉm cười, động viên, nói chuyện, lắng nghe và chơi cùng con?
Thực tế, sự gần gũi về mặt thể chất có tác dụng xoa dịu trẻ sơ sinh, cũng như con luôn thích thú khi được ba mẹ ôm vào lòng, hay được ba mẹ quấn trong địu và địu bên mình.
Một điều quan trọng khác là ba mẹ hãy đáp lại tiếng khóc của trẻ, đặc biệt là trong khoảng 6 tháng đầu đời. Ba mẹ có thể quan sát để “bắt đúng” nhu cầu của bé như đói, nóng nực, gây ngủ hay khó chịu vì tã ẩm ướt,… từ đó giúp bé giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Bởi khi đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ nhanh chóng học cách liên kết giữa ba mẹ và cách giúp trẻ thoát khỏi sự khó chịu. Chẳng hạn, khi bé đói và khóc, ba mẹ lập tức đến bên trẻ. Lúc này, trẻ sẽ nhìn thấy khuôn mặt, nghe thấy giọng nói và cảm nhận mùi hương từ ba mẹ và sau đó được cho ăn. Chẳng bao lâu, trẻ sẽ quen dần và cảm thấy thoải mái mỗi khi nhìn thấy, nghe thấy hay ngửi thấy ba mẹ.
Việc phản ứng lại với trẻ khi trẻ buồn (cũng như vui) sẽ giúp xây dụng lòng tin và mối liên kết tình cảm bền chặt. Cảm giác an toàn và tin tưởng này sẽ hữu ích cho trẻ trong suốt quá trình phát triển, từ những năm tháng đầu đời cho đến khi trưởng thành.
2. Chăm sóc từ những điều cơ bản
Trẻ nhỏ cần phải khoẻ mạnh để có thể học hỏi và phát triển. Do vậy, ba mẹ nên đi khám sức khoẻ định kỳ và tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.
Giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Các tế bào não của trẻ tạo ra những kết nối quan trọng trong khi ngủ, giúp ích cho việc học tập, vận động và suy nghĩ. Những kết nối này giúp bé hiểu được những gì bé nhìn thấy, nghe thấy, nếm thấy, chạm vào và ngửi thấy khi bé khám phá thế giới. Thế nên, ba mẹ có thể giúp con ngủ ngon hơn bằng cách tạo thói quen ngủ khoa học, giữ môi trường ngủ của trẻ an toàn, thoải mái.
Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ cũng cần được quan tâm. Trong đó, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Từ giai đoạn 6 – 7 tháng tuổi trở đi, ba mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm với chế độ ăn khoa học để giúp trẻ bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
3. Thường xuyên nói chuyện với trẻ
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, ba mẹ đừng quên giúp con phát triển ngôn ngữ nhé! Vậy ba mẹ phải bắt đầu từ đâu? Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được ba mẹ nói chuyện nhiều khi còn nhỏ sẽ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ nâng cao hơn những đứa trẻ không nhận được nhiều sự kích thích bằng lời nói.
Ba mẹ có thể nói chuyện với trẻ khi thay tã, tắm cho trẻ hay cho trẻ ăn. Hãy cố gắng nhìn trẻ khi ba mẹ nói, bởi trẻ sẽ phản ứng tốt hơn nếu biết những từ ngữ đó đang hướng về mình. Đừng quá lo lắng về việc phải nói gì với trẻ, mà đơn giản chỉ cần mô tả những gì ba mẹ đang làm: “Mẹ đang pha nước ấm để tắm rửa cho con nè”; hay “Tã con đầy rồi, mình cùng thay tã nhé!”,…
Một lưu ý nhỏ là ba mẹ nên phát âm đúng chính tả và ngữ pháp khi nói chuyện để giúp con thiết lập nền tảng ngôn ngữ chuẩn chỉnh sau này.
4. Đọc sách cho trẻ
Đọc sách cho trẻ ngay từ những năm tháng ấu thơ cũng là một trong những bí quyết giúp nuôi dạy trẻ hạnh phúc. Việc đọc sách to cho trẻ nghe sẽ giúp trẻ xây dựng vốn từ vựng, kích thích trí tưởng tượng và cải thiện khả năng ngôn ngữ cũng như các kỹ năng xã hội.
Ba mẹ có thể chọn những cuốn sách nhiều màu sắc cho trẻ đẩ tăng độ hấp dẫn. Khi đọc, ba mẹ có thể kể về những câu chuyện, hình ảnh cho trẻ. Khi con lớn hơn, ba mẹ hãy đặt ra những câu hỏi liên quan đến sách để tạo cơ hội cho trẻ suy nghĩ và trò chuyện với bạn về chủ đề trong sách.
5. Kích thích mọi giác quan của trẻ
Trẻ cần được tiếp xúc với nhiều người, nhiều địa điểm hay đồ vật khác nhau để tìm hiểu và khám phá. Mỗi tương tác mới đều cung cấp cho trẻ thông tin về mọi thứ xung quanh và mối liên quan của trẻ với thế giới này. Ngay cả những hoạt động đơn giản nhất hàng ngày cũng có thể kích thích sự phát triển của trẻ. Một số hoạt động để kích thích gian quan của trẻ ba mẹ có thể tham khảo như:
- Chơi các trò chơi tương tác (ú oà), để trẻ cùng đi dạo hay mua sắm.
- Chọn đồ chơi và các vật dụng cho bé với nhiều hình dạng, kết cấu, màu sắc, âm thanh, trọng lượng,… khác nhau.
- Bật bản nhạc yêu thích khi trẻ chơi hay hát ru cho trẻ ngủ.
- Thiết lập giới hạn an toàn trong ngôi nhà để trẻ có thể thoả thích khám phá. Chẳng hạn, mẹ có thể khoá mọi ngăn tủ và chỉ chừa lại một ngăn tủ với các đồ chơi bằng nhựa.
- Để bé luyện tập kỹ năng giao tiếp qua việc gọi điện cho người thân khác trong nhà.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ có thể dễ bị kích thích quá mức, do vậy ba mẹ đừng cảm thấy phải tương tác với trẻ 24h một ngày hoặc cố gắng kích thích tất cả các giác quan của bé cùng một lúc. Ba mẹ có thể để trẻ chơi một mình trong tầm giám sát của mình.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu không khuyến khích trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 18 tháng tuổi xem tivi hoặc màn hình. Thế nên ba mẹ cũng nên hạn chế việc để trẻ tiếp xúc với tivi hay màn hình từ sớm nhé!
6. Đặt ra thử thách cho trẻ
Việc đặt ra thử thách trong quá trình nuôi dạy trẻ sẽ giúp con nỗ lực tìm ra những cách mới mẻ để hoàn thành nhiệm vụ. Ba mẹ có thể để bé thử sức với những hoạt động vừa sức để trẻ học thành thạo kỹ năng mới, thay vì đặt ra các hoạt động vượt quá khả năng của trẻ, dễ khiến trẻ thất vọng. Ví dụ, nếu con đang cố gắng mở một chiếc hộp, hãy để con tự thử sức làm điều đó. Nếu trẻ gặp khó khăn, hãy chỉ cho trẻ cách thực hiện, sau đó đưa lại trẻ một chiếc hộp đã đóng để con có thể tự làm lại.
Việc rèn luyện thành thạo một kỹ năng nào đó đôi khi mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc. Cũng bởi vậy mà khi trẻ lần đầu biết cách đưa thìa vào miệng, hay chập chững bước những bước đi đầu tiên, cũng là lúc con sẽ học được từ những sai lầm của mình, có được sự kiên trì và kỷ luật. Cuối cùng, trẻ sẽ trải nghiệm niềm vui thành công từ chính nỗ lực của mình.
Trẻ cũng gặt hái được niềm tự hào khi được người khác công nhận thành tích. Thế nên ba mẹ đừng ngần ngại khen trẻ khi trẻ làm tốt. Quan trọng hơn, đây chính là động lực để trẻ nhận ra rằng: Nếu trẻ cố gắng, trẻ có thể làm được.
7. Luôn vui vẻ với trẻ
Mặc dù một món đồ chơi mới nhiều màu sắc, hay lần đầu tiên được nếm thử món bánh ngọt ngon miệng có thể khiến trẻ mỉm cười, nhưng điều khiến trẻ hạnh phúc nhất lại chính là “ba mẹ”.
Hãy kết nối với trẻ và cùng chơi với chúng. Ba mẹ sẽ nhận ra, một khi bạn vui vẻ, trẻ cũng sẽ vui vẻ. Có thể nói, vui chơi tạo ra niềm vui, đồng thời cũng là cách giúp trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết để xây dựng một tương lai hạnh phúc. Khi lớn hơn, hoạt động vui chơi còn giúp trẻ khám pha những điều trẻ thích làm như xây nhà bằng các khối hình học, chế biến món ăn từ các vật dụng trong nhà bếp hay vẽ những bức tranh đầy sắc màu. Tất cả những điều này đều có thể hướng trẻ đến những sở thích, đam mê mà chúng sẽ theo đuổi suốt đời.
8. Dạy trẻ biết chia sẻ và quan tâm
Khi được dạy về cách giúp đỡ người khác, dù theo những cách nhỏ bé cũng giúp mang lại cho trẻ cảm giác có ý nghĩa trong cuộc sống. Ba mẹ có thể dạy cho trẻ hiểu thế nào là cảm giác thoả mãn khi cho và nhận, ngay cả khi con còn là trẻ sơ sinh. Chẳng hạn, nếu bạn cho trẻ một miếng chuối, hãy để trẻ cũng làm như vậy bằng cách đút cho bạn một miếng. Nếu ba mẹ chải tóc cho trẻ, hãy để trẻ cũng có cơ hội chải tóc cho bạn. Đừng quên cho trẻ thấy hành động quan tâm của trẻ khiến ba mẹ cảm thấy hạnh phúc như thế nào nhé!
Những khoảnh khắc tuy nhỏ bé nhưng lại có thể nuôi dưỡng sự nhạy cảm trong việc chia sẻ và quan tâm đến người khác ở trẻ. Khi trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể để trẻ phụ giúp những công việc nhà đơn giản như gấp quần áo, quét nhà, dọn dẹp đồ chơi để trẻ cảm thấy mình đang đóng góp vào công việc chung của cả nhà.
9. Chăm sóc bản thân
Ba mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy nên một đứa trẻ hạnh phúc. Bởi vậy, ba mẹ hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân, làm những điều khiến bản thân mình hạnh phúc. Ba mẹ có thể tập thể dục mỗi ngày, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hay cố gắng ngủ đủ giấc để giữ cho cơ thể và tinh thần khoẻ mạnh.
Ba mẹ cũng đừng ngần ngại chia sẻ trách nhiệm gia đình và nuôi dạy trẻ với bạn đời, hay người thân để nhận được sự hỗ trợ. Dành thời gian cho bản thân như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, đi massage, hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng sau ngày dài mệt mỏi.
Nếu mẹ cảm thấy quá tải khi chăm sóc trẻ hay cảm thấy chán nản, hãy tìm một người đáng tin cậy để tâm sự. Trong trường hợp, nếu mẹ cảm thấy bất ổn với những dấu hiệu dưới đây, hãy tìm đến bác sĩ để nhận được hướng dẫn điều trị:
- Mẹ cảm thấy buồn bã hoặc lo lắng dữ dội.
- Mẹ không thể chăm sóc bản thân và chăm sóc trẻ.
- Mẹ đang trải qua tâm trạng thất thường, thường xuyên tức giận hoặc khóc quá nhiều.
- Mẹ không còn thích những việc mà mẹ thường làm nữa.
Nuôi dạy trẻ thành người hạnh phúc không phải là mang lại cho trẻ niềm vui tức thời hay sự hài lòng ngay lập tức, mà hơn hết là trang bị cho trẻ đầy đủ kỹ năng để trẻ có thể tìm ra và tận hưởng cảm giác vui vẻ lâu dài trong cuộc sống. Do vậy, việc ba mẹ đồng hành cùng con trong suốt quá trình phát triển sẽ giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội sống thật hạnh phúc sau này.