Cha mẹ biết không, có đến 75% dưỡng chất trong mỗi bữa ăn hỗ trợ cho việc phát triển trí não của trẻ trong 2 năm đầu đời. Hay 80% não bộ của trẻ nhỏ được hoàn thiện trước năm 3 tuổi. Vậy làm thế nào để cha mẹ theo kịp sự phát triển của trẻ?
Với mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi cái ôm ấm áp, mỗi nụ hôn và mỗi bữa ăn bổ dưỡng cùng những lần cha mẹ dành thời gian chơi đùa và trò chuyện cùng bé cũng chính là phương pháp hiệu quả giúp trẻ phát triển trí não và thể chất khoẻ mạnh.
Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp cha mẹ tạo nên khởi đầu tốt nhất cho các bé của mình.
Kinh nghiệm dành cho cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh
Cha mẹ có biết không?
Chỉ trong vài ngày sau khi chào đời, các bé yêu có thể mỉm cười khi mọi người mỉm cười với chúng.
Tìm cách cho trẻ tập nhìn, nghe, di chuyển tự do và chạm vào mọi người. Cha mẹ sẽ thấy tay và chân của trẻ cử động thiếu kết nối. Nhưng dần trẻ sẽ học được cách kiểm soát cử động của mình.
Thường xuyên tương tác, nhìn bé trìu mến và đáp lại nụ cười của bé. Bé yêu sẽ phản ứng lại với những nét mặt, cử chỉ và hành động của cha mẹ.
Nói chuyện với bé yêu bằng giọng nói dịu dàng, nhẹ nhàng. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ sơ sinh vào giai đoạn này đều nên giao tiếp thường xuyên với trẻ. Rồi chúng ta sẽ nhận thấy rằng trẻ có thể nghe và sẽ sớm bắt đầu ghi nhớ, sao chép lại lời nói của mọi người.
Thay đổi âm điệu giọng nói một cách nhẹ nhàng. Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ có thể điều chỉnh âm giọng nhanh/chậm, cao/thấp, to/nhỏ. Sau đó, quan sát gương mặt của trẻ, cha mẹ sẽ thấy phản ứng trên khuôn mặt và cơ thể của bé đang phản ứng lại theo âm giọng của chúng ta.
Đặt bé nằm sấp và dùng chuông hoặc lục lạc lắc trước mặt bé. Sau đó từ từ nâng lục lạc lên. Làm như vậy sẽ giúp bé nhìn theo tiếng lục lạc và tập nâng đầu và vai lên.
Nhẹ nhàng xoa dịu, ôm và vuốt ve trẻ. Bé sẽ cảm thấy được an ủi, vui vẻ khi được ba mẹ bế, âu yếm.
Tương tác và thường xuyên tiếp xúc với làn da bé. Việc tiếp xúc “da kề da” sẽ giúp bé cảm nhận, nghe hay ngửi thấy sự hiện diện của cha mẹ, từ đó mang lại cho bé cảm giác bình tĩnh và an toàn.
Kinh nghiệm dành cho cha mẹ khi bé 1 – 6 tháng tuổi
Cha mẹ có biết không?
Trẻ em 1-3 tháng tuổi chỉ nhìn thấy mọi thứ tốt nhất ở khoảng cách trong tầm 20 – 30 cm. Khi được 3 tháng, trẻ có tầm nhìn tốt hơn.
Tìm cách tập cho bé nhìn, nghe và cảm nhận, di chuyển tự do và chạm vào mọi người. Điều này giúp trẻ dần thiết lập một niềm tin với ba mẹ, người chăm sóc hay người thân xung quanh.
Chơi với bé bằng các món đầy màu sắc để bé nhìn thấy và với lấy. Một món đồ chơi đơn giản như lục lạc có thể thu hút sự quan tâm của bé bằng âm thanh.
Mỉm cười hay cười đùa với bé. Cha mẹ sẽ nhìn thấy nụ cười đáp lại của bé.
Nói chuyện và sao chép lại âm thanh, cử chỉ của bé. Khi cha mẹ làm như vậy, các bé sẽ tập trung vào cử chỉ, giọng nói của bạn và cố gắng bắt chước ngược lại.
Giúp trẻ theo dõi chuyển động của đồ vật. Chọn một vật và để trong tầm mắt của bé, sau đó di chuyển đồ vật từ bên này sang bên khác rồi đưa lên xuống. Trẻ sẽ cố gắng nhìn theo đồ vật bằng mắt.
Khuyến khích trẻ với lấy đồ vật (chọn những đồ vật an toàn). Hãy thử chọn một vật giống như một chiếc cốc nhựa đặt gần trẻ, trẻ sẽ cố gắng nắm lấy hoặc chạm vào.
Cho trẻ tiếp cận những hình ảnh đơn giản về các đồ vật, người và động vật quen thuộc. Cha mẹ nên chọn bức ảnh có nhiều màu sắc, kết cấu khác nhau và nói về những bức ảnh ấy khi bé đang nhìn chúng. Như thế trẻ sẽ học được cách lắng nghe những gì bạn nói và tham gia vào câu chuyện theo cách riêng của bé.
Cùng chơi đùa với trẻ. Cha mẹ có thể chơi đùa với bé bằng những trò chơi đơn giản như “úa oà”, hay đọc sách cho bé nghe.
Kinh nghiệm dành cho cha mẹ khi bé từ 6 – 9 tháng tuổi
Cha mẹ có biết không?
Khi bé 6 tháng tuổi, bé có thể ăn tất cả mọi thứ trừ mật ong. Và không nên cho bé ăn mật ong cho đến khi bé đủ 1 tuổi.
Khi ba mẹ đặt câu hỏi, hãy dành cho bé nhiều thời gian để trả lời. Ba mẹ hãy đếm đến 10 trong đầu. Nếu bé không có câu trả lời thì hãy tự trả lời câu hỏi. Hãy thử một câu hỏi dễ hơn vào lần sau.
Gọi tên của bé càng nhiều càng tốt. Bé sẽ nhận ra sự quen thuộc và tìm kiếm xem ai đang là người gọi tên bé và sẽ cố gắng tiếp cận người đó.
Đừng nói hoặc hát quá to vì điều này có thể khiến bé sợ hãi.
Hãy mỉm cười nhiều nhất có thể, bởi điều đó sẽ mang lại cho bé sự thoải mái và tin tưởng.
Đưa cho trẻ những đồ vật sạch sẽ, an toàn và nhiều màu sắc, những đồ vật như thìa gỗ hoặc bát nhựa ở gần để trẻ có thể với tới, chạm vào, hoặc đập và thả.
Đưa cho trẻ những cuốn sách có nhiều tranh ảnh hoặc búp bê để phát triển trí tò mò của bé và giúp bé học hỏi những điều mới. Cha mẹ cũng có thể tự tay làm cho bé những món đồ chơi từ những vật dụng có sẵn trong nhà.
Kinh nghiệm dành có cha mẹ của bé từ 9 – 12 tháng tuổi
Cha mẹ có biết không?
Để nâng cao sự tự tin cho bé, hãy luôn áp dụng cách tiếp cận tích cực trong quá trình học tập của con. Cố gắng dùng từ khuyến khích và khen ngợi bé như “giỏi”, “tốt”, “làm tốt” thường xuyên hơn thay vì nói “không”, “xấu”, “không tốt”.
Chơi tìm kiếm đồ vật cùng con và xem liệu bé có thể tìm thấy những đồ vật bạn giấu hay không. Cha mẹ có thể giấu thứ gì đó ở nơi dễ tìm thấy, giả vờ tìm chúng và nhờ bé giúp. Các bé sẽ được kích thích sự tò mò và sẵn sàng tìm hiểu điều gì đã xảy ra với món đồ vật đó.
Dạy cho trẻ đọc tên của đồ vật và người thân. Điều này giúp trẻ chú ý hơn đến mọi thứ xung quanh và có thể giúp trẻ liên kết được giữa từ ngữ với mọi người và đồ vật.
Chỉ cho trẻ cách giao tiếp những cử chỉ cơ bản bằng tay, chẳng hạn như “tạm biệt”; “hôn gió”, “dạ”. Chẳng mấy chốc, trẻ sẽ cố gắng bắt chước và tự mình vẫy tay “tạm biệt”, “hôn gió” với mọi người xung quanh kèm theo những biểu cảm thú vị.
Chỉ vào mắt, mũi và miệng trên búp bê. Sau khi chỉ cho bé đọc một bộ phận trên búp bê, hãy nắm tay bé chạm vào bộ phận đó trên chính mình và bé. Dần dần, bé sẽ có thể ghi nhớ và xác định những từ khác nhau này và liên hệ chúng với các bộ phận trên cơ thể.
Kinh nghiệm dành cho cha mẹ khi bé 1 – 2 tuổi
Cha mẹ có biết không?
Trẻ mới biết đi sẽ cảm thấy hạnh phúc khi thấy mình đang làm cho những người lớn xung quanh vui vẻ.
Đưa cho trẻ những thứ dễ cho vào hộp và lấy ra. Trẻ sẽ cố gắng tự lấy chúng ra và đặt lại, điều này rất tốt cho việc phát triển kỹ năng phối hợp tay và mắt.
Đưa cho trẻ những thứ để xếp chồng lên nhau. Các bé nên cố gắng tự mình xếp nhiều thứ hơn và làm cho chúng rơi xuống, hoặc sẽ xếp đồ đạc cho đến khi chúng rơi xuống.
Hỏi trẻ những câu hỏi đơn giản và đáp lại những nỗ lực nói chuyện của trẻ. Các bé có thể rèn được khả năng sẵn sàng tương tác bằng cách trả lời hoặc đặt thêm câu hỏi.
Cố gắng nói chuyện với con về những điều thực tế xung quanh. Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc nói chuyện về thiên nhiên, hình ảnh và những thứ từ môi trường xung quanh. Lời kể của cha mẹ sẽ khiến bé tò mò và di chuyển khắp nơi, sẵn sàng khám phá thế giới.
Hãy quan sát những gì trẻ làm và gọi tên nó: “Con đang làm gì thế? Con đang vẽ tranh à.” Các bé sẽ vui vẻ thể hiện việc mình đang làm và có cảm giác tự tin hơn về điều đó.
Chơi với trẻ và đề nghị giúp đỡ: “Mẹ và con cùng nhau bỏ các viên đá này vào hộp của mình nhé!” Những lời đề nghị này này sẽ khiến bé thoải mái và hạnh phúc hơn.
Tận dụng mọi cơ hội để bắt chuyện, kể cả khi cho trẻ ăn, tắm rửa hoặc chỉ cần bạn đang ở gần bé. Trẻ sẽ sớm bắt đầu hiểu những gì bạn đang nói và có thể làm theo những gợi ý đơn giản.
Biến những câu hỏi đơn giản thành trò chơi: “Ngón chân của con ở đâu?” hoặc “Con chim đang ở đâu?”. Cha mẹ có thể cho bé nhìn vào hình ảnh và hỏi về những thứ bên trong đấy. Con sẽ ngày càng thể hiện sự tò mò và sẵn sàng truyền đạt về những gì con nhìn thấy và nghe thấy.
Kinh nghiệm dành cho cha mẹ khi trẻ trên 2 tuổi
Cha mẹ có biết không?
Trẻ học tốt hơn khi được dạy cách cư xử đúng mực thay vì bị la mắng khi phạm lỗi.
Đặt những câu hỏi đơn giản và lắng nghe câu trả lời. Khuyến khích trẻ nói bằng cách đặt câu hỏi: “Đây là cái gì?”, “Cửa sổ ở đâu?”, “Quả bóng nào lớn hơn?”, “Con thích chiếc ly màu gì?”. Việc này sẽ giúp bé ngày càng quan tâm đến việc tương tác và trả lời các câu hỏi của bạn.
Đọc truyện cho con và đặt câu hỏi về những gì bạn thấy trong sách. Cha mẹ nên chú ý cho bé ghi nhớ và cố gắng lặp lại những gì vừa được đọc.
Giúp con học đếm bằng các câu hỏi “có bao nhiêu” và đếm các đồ vật cùng nhau. Lúc đầu trẻ sẽ dễ mắc lỗi nhưng sẽ học được từ việc lặp lại nhiều lần.
Đưa cho trẻ các loại hình như hình tròn hay hình dạng khác được cắt từ giấy màu để so sánh và phân loại. Trẻ sẽ rất vui khi thử sắp xếp mọi thứ và sẽ học cách kết hợp cũng như tạo mối quan hệ giữa các đồ vật, màu sắc và hình dạng khác nhau.